Viêm gan B là căn bệnh phức tạp, diễn biến thành nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những phương pháp điều trị cụ thể khác nhau theo từng diễn tiến của bệnh. Vậy bạn đang ở giai đoạn nào, việc điều trị sẽ như thế nào? Dưới đây là những thông tin bạn nên tham khảo để chủ động trong việc điều trị viêm gan B.
Với bệnh nhân viêm gan B mãn tính, Virus viêm gan B khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ trải qua 4 giai đoạn khác nhau. Dựa vào bảng trên, chúng ta có thể thấy rõ 4 giai đoạn của bệnh, đó là giai đoạn dung nạp miễn dịch, giai đoạn hoạt động thải loại miễn dịch, giai đoạn viêm gan B mãn tính không hoạt động và giai đoạn viêm gan B mạn tính tái hoạt động (đợt cấp tính).
1. Giai đoạn dung nạp miễn dịch
Giai đoạn này xảy ra ở trẻ em với nhiễm virus viêm gan B, phần lớn nguyên nhân lây nhiễm là từ mẹ truyền sang con.
Ở giai đoạn dung nạp miễn dịch, virus sao chép nhanh, nồng độ virus tăng tuy nhiên do hệ miễn dịch tiếp xúc với virus HBV trong khi chưa phát triển hoàn thiện nên hệ miễn dịch không thể nhận biết HBV như là vật thể lạ nên không tấn công vào các tế bào gan bị nhiễm virus.
Do đó, người mắc viêm gan B ở giai đoạn này tuy nồng độ virus rất cao nhưng không có các tổn thương gan, nồng độ men gan bình thường, sinh thiết gan không có dấu hiệu bị viêm hoặc bị xơ hóa.
** Điều trị thế nào?
- Bởi giai đoạn dung nạp miễn dịch không bị viêm, tổn thương gan nên người bệnh không cần điều trị bằng các loại thuốc kháng virus hay bất kì sản phẩm tăng cường chức năng gan nào khác. Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm, có khi tới 20-30 năm và có thể chuyển sang giai đoạn hoạt động thải loại miễn dịch bất cứ lúc nào, nhất là độ tuổi càng lớn thì nguy cơ càng cao.
- Và vốn trong giai đoạn dung nạp miễn dịch, nồng độ virus viêm gan B đã rất cao nên nếu chuyển sang giai đoạn hoạt động sau thì bệnh có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do vậy, bệnh nhân cần hết sức cẩn trọng, đi khám định kì từ 6 tháng đến 1 năm để đánh giá tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị ngay khi bệnh có diễn biến khác.
2. Giai đoạn hoạt động thanh thải miễn dịch
Giai đoạn này thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi 20 - 40 đối với trường hợp nhiễm virus viêm gan B lúc nhỏ hoặc xảy ra ở người trưởng thành bị lây HBV. Lúc này, hệ miễn dịch đã phát triển hoàn chỉnh và nhận ra sự có mặt của HBV nên tấn công và làm tổn thương các tế bào gan đã bị nhiễm HBV để ức chế hay đào thải virus.
Song nghịch lý là quá trình này lại làm tổn thương tế bào gan, làm nồng độ men gan (ALT/AST) tăng cao, định lượng virus HBV DNA ở mức cao (thường >10^5 copies/ml), HBeAg (+). Sinh thiết gan sẽ thấy tình trạng viêm tế bào gan và có thể có sự hình thành các mô sẹo (mô xơ) ở gan, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng lâm sàng như chán ăn, mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, vàng da vàng mắt... Giai đoạn 2 này sẽ kết thúc bằng việc chuyển đổi huyết thanh HBeAg về âm tính.
** Cách điều trị trong giai đoạn này:
- Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm và nếu không điều trị kịp thời thì tổn thương gan càng lớn và quá trình xơ hóa tế bào gan càng diễn ra nhanh chóng, để lại những hậu quả biến chứng nghiêm trọng kể cả khi đã chuyển sang giai đoạn mang HBV không hoạt động.
- Do đó, trong giai đoạn này, người bệnh cần điều trị tích cực theo liệu trình của bác sỹ bằng các loại thuốc kháng virus đặc hiệu để kiềm chế virus phát triển tấn công lá gan, hạ men gan, cải thiện các triệu chứng lâm sàng, phòng chống tiến triển xơ gan.
- Người bệnh cần đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này tuyệt đối không được bỏ dở việc dùng thuốc nếu không sẽ khiến bệnh trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Thông thường, một liệu trình điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ kéo dài 6 tháng nhưng có thể lâu hơn tùy vào đáp ứng của người bệnh.
- Việc dừng thuốc sẽ theo chỉ định của bác sỹ cho đến khi men gan về ngưỡng bình thường, định lượng HBV-DNA < 10^4 copies/ml với HBeAg (-) hoặc HBV-DNA < 10^5 copies/ml với HBeAg (+). Người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi sát sao hiệu quả điều trị của mình.
- Ngoài ra, cá biệt ở một số người bệnh, có sức khỏe tốt, thì giai đoạn này thường ngắn, cơ thể kiếm soát virus tốt, chưa hề điều trị bằng thuốc thì bệnh đã ổn định, không tấn công gan.
3. Giai đoạn viêm gan B mạn tính không hoạt động
Tiếp theo giai đoạn thải loại miễn dịch, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính không hoạt động. Trong giai đoạn này, định lượng HBV-DNA ở mức thấp hoặc dưới ngưỡng phát hiện, dấu hiệu nhân lên của HBV (HBeAg và HBV-DNA) gần như âm tính và có thể xuất hiện Anti-HBe (+) (chứng tỏ virus không hoặc động và ít nguy cơ lây nhiễm hơn). Xét nghiệm chức năng gan, nồng độ men gan (ALT/AST) bình thường, hầu như luôn tồn tại HBsAg (+).
Sinh thiết gan cho thấy có sự viêm hoại tử tối thiểu nhưng có sự xơ hóa thay đổi phản ánh trước đây đã có tổn thương gan trong giai đoạn hoạt động thải loại miễn dịch. Ở bệnh nhân trải qua sự chuyển đổi huyết thanh HBeAg tự phát, 67%-80% sẽ tiếp tục duy trì giai đoạn viêm gan B mạn tính không hoạt động. Còn lại khoảng 4% -20% trường hợp sẽ có một hoặc nhiều sự đảo ngược lại sang HBeAg (+).
** Điều trị áp dụng trong giai đoạn này:
Người bệnh không cần điều trị bằng thuốc kháng virus, chỉ cần đi khám định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm để theo dõi bệnh có tái phát hay không. Người bệnh viêm gan B mạn tính không hoạt động tuy không dùng thuốc nhưng cần có những biện pháp quyết liệt trong việc tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể để kiểm soát nồng độ virus luôn ở mức cho phép, không tạo điều kiện để virus tái hoạt động.
4. Giai đoạn viêm gan B mạn tính tái hoạt động (đợt cấp)
Đợt cấp này xảy ra là do sự rối loạn thay đổi cân bằng giữa hệ miễn dịch và virus, thường có triệu chứng mệt mỏi, đau tức hạ sườn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa… giống như ở giai đoạn thải loại miễn dịch. Lúc này, xét nghiệm HBeAg có thể âm tính hoặc dương tính, men gan tăng cao, tổn thương gan xuất hiện, sinh thiết gan cho thấy tế bào gan bị viêm, hoại tử.
Giai đoạn này nếu kéo dài, cường độ cao thì các tổn thương gan càng lớn, để lại hậu quả càng nặng, làm xơ hóa mô gan tiến triển nhanh. Người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng xơ gan, bao gồm cả ung thư gan.
** Điều trị thế nào?
Trong giai đoạn này cần điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu kéo dài cho đến khi virus được ức chế, tế bào gan hết tổn thương, các tình trạng xơ gan, viêm gan không tiến triển.
Để được tư vấn chi tiết về bệnh viêm gan virus và xơ gan xin vui lòng liên hệ số tổng đài (miễn cước) 18001190