Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi viêm gan B mạn, tuy nhiên các thuốc điều trị viêm gan hiện nay có tác dụng ức chế virus hiệu quả, giảm nguy cơ xơ gan và ung thư gan.Cần thường xuyên đánh giá mức độ tổn thương gan để đưa ra quyết định điều trị phù hợp và kịp thời.
I. Không phải ai mắc viêm gan B mạn cũng cần dùng thuốc điều trị
Thực tế không phải trường hợp nào nhiễm virus viêm gan B cũng cần điều trị, chỉ định điều trị còn phụ thuộc vào chỉ số HBeAg âm tính hay dương tính, ngưỡng HBV DNA và chỉ số men gan. Bệnh nhân cần được giải thích về lý do cần điều trị, các lựa chọn về thuốc, tác dụng phụ và nguy cơ kèm theo mỗi phác đồ điều trị.
Những trường hợp chưa có chỉ định điều trị
-
Chỉ số men gan ALT bình thường (<30 U/L ở nam, <19 U/L ở nữ)
Không có bằng chứng về lợi ích điều trị ở những bệnh nhân này, dù tải lượng virus hoặc HBeAg như thế nào. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị ung thư gan hoặc viêm gan bùng phát nên cần được theo dõi và sàng lọc thường xuyên, ngoại trừ những bệnh nhân có xơ gan hoặc đang dùng hóa trị liệu điều trị ung thư gan (được đề cập dưới đây).
-
ALT tăng (trên 2 lần ngưỡng bình thường), tải lượng virus thấp hoặc dưới ngưỡng phát hiện, HBeAg (-) :
Tổn thương gan ở những bệnh nhân này không do virus viêm gan B. Cần đánh giá thêm các yếu tố khác gây tăng men gan, ví dụ nhiễm viêm gan C, gan nhiễm mỡ, sử dụng thuốc hoặc lạm dụng rượu.
Những trường hợp có chỉ định điều trị
Khi mắc bệnh viêm gan B cần được điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên
Mục tiêu trong điều trị viêm gan B mạn là phải ức chế được sự phát triển của virus, làm giảm nồng độ virus trong máu, giảm các triệu chứng của bệnh, hạ men gan và điều quan trọng là phải ngăn chặn nguy cơ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan. Những trường hợp bắt buộc có chỉ định điều trị gồm:
-
ALT tăng (trên 2 lần ngưỡng bình thường), tải lượng virus cao (>20.000 IU/ml), HBeAg (+):
Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan và virus đang hoạt động. Cần điều trị.
-
ALT tăng (trên 2 lần ngưỡng bình thường), tải lượng virus cao (>20.000 IU/ml), HBeAg (-):
Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan do chủng virus đột biến gây ra nên không sinh ra HBeAg. Nên dùng thuốc điều trị.
-
Xơ gan (còn bù hoặc mất bù), ALT bình thường hoặc tăng, tải lượng virust trên mức phát hiện được:
Nên dùng thuốc điều trị viêm gan B cho bệnh nhân có xơ gan còn bù hoặc mất bù bằng thuốc kháng virus, bất kể HBeAg dương tính hay âm tính.
-
Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị điều trị ung thư:
Hệ miễn dịch bị ức chế khi dùng hóa trị điều trị ung thư có thể gây ra bùng phát viêm gan B tối cấp hoặc tử vong. Vì vậy, bệnh nhân HBsAg + đang điều trị hóa trị cần dùng kháng virus để dự phòng viêm gan bùng phát, bất kể ALT, tải lượng virus hay HBeAg như thế nào.
Lưu ý tiền căn gia đình: người bệnh nhiễm virus viêm gan B có biểu hiện ngoài gan đồng thời trong gia đình có người bị ung thư hoặc xơ gan thì có thể điều trị ngay cả khi chưa đủ các điều kiện kể trên - theo cập nhật của một số guideline điều trị của thế giới.
II. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm gan B
-
Thuốc ức chế sao chép virus (đường uống)
Thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tạo ra các chủng virus kháng thuốc. Điều trị bằng thuốc kháng virus là điều trị lâu dài.
Tổ chức y tế thế giới khuyến nghị nên sử dụng các thuốc có hàng rào kháng thuốc cao như tenofovir hoặc Entecavir phác đồ bậc 1.
-
Thuốc tiêm interferon
Có tác dụng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào bị virus xâm nhập. Người có ALT và tải lượng virus thấp trước khi điều trị hoặc người mắc bệnh đã lâu thường ít đáp ứng với thuốc tiêm hơn so với những bệnh nhân khác. Không nên dùng thuốc này ở người già hoặc bệnh nhân xơ gan mất bù. Liệu trình dùng thuốc tiêm thường kéo dài 6 đến 12 tháng. Có 2 loại thuốc được sử dụng trên lâm sàng gồm: Interferon alfa - 2b (tiêm dưới da 3 -5 lần/tuần) và Peg - intergeron alfa - 2b (tiêm dưới da 1 lần/tuần).
-
Một số tiêu chuẩn đánh giá đáp ứng tốt với điều trị viêm gan B mạn tính
-
Ức chế virus bền vững: tải lượng virus giảm nhiều hoặc xuống dưới mức phát hiện
-
ALT giảm về mức bình thường
-
Chuyển đảo huyết thanh HBeAg: HBeAg về âm tính, tạo anti-HBeAg
-
Cải thiện tình trạng viêm gan hoặc xơ hóa gan
-
Giảm nguy cơ ung thư gan
* Lưu ý:
Hiện nay chưa có bằng chứng về hiệu quả kết hợp thuốc kháng vi rút với thuốc tiêm Interferon trong điều trị viêm gan B mạn.
-
Tác dụng không mong muốn
-
Các thuốc kháng virus dạng uống thường ít có tác dụng phụ hoặc nhẹ. Adefovir và Tenofovir có thể gây độc cho thận, tuy ít xảy ra.
-
Các thuốc tiêm thường có nhiều tác dụng phụ, đôi khi nặng nề. Phổ biến nhất là triệu chứng giả cúm, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn. Có thể gây dị ứng, rụng tóc, giảm bạch cầu, rối loạn tâm thần.
III. Lời khuyên về chế độ ăn uống - sinh hoạt
Người bệnh viêm gan B cần có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần thăm khám định kỳ từ 3 - 6 tháng một lần để kiểm tra và đánh giá hiệu quả điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, kiêng hoàn toàn bia rượu.
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, hạn chế các loại thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ; tăng cường rau xanh, các loại hoa quả nhiều vitamin C, E...
Viêm gan B là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay, bệnh được điều trị bằng thuốc trong thời gian dài, phải có sự giám sát, theo dõi của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả và an toàn; chủ động ngăn ngừa nguy cơ biến chứng dẫn đến tình trạng xơ gan và ung thư gan. Và để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, thăm khám thường xuyên và có chế độ ăn uống - sinh hoạt hợp lý.
Tham khảo:
Báo Sức khỏe Đời sống
https://med.stanford.edu/content/dam/sm/liver/documents/resources/guides/2016Handbookv.pdf
https://www.journal-of-hepatology.eu/article/S0168-8278(17)30185-X/abstract
http://apps.who.int/medicinedocs/documents/s21813en/s21813en.pdf